3 min read

Tổng sản phẩm quốc dân. Chi phí ngoại cảnh & Lợi ích thực sự

“Những người trẻ vỡ mộng thị thành. Trên mảnh đất cỏ mọc um tùm, Li Junxian lẩm bẩm trong khi cuốc đất. 'Nếu bố mẹ tôi nhìn thấy cảnh này họ sẽ rất tức giận', chàng trai 30 tuổi cười lớn. Chiếc áo hoodie và đôi giày thể thao hàng hiệu đã chứng minh Li không thạo việc đồng áng. Lớn lên từ một đô thị phía nam Quảng Châu, anh có nhiều năm làm đại diện bán hàng cho một công ty quốc tế.

Nhưng một tháng trước kiệt sức vì đấu đá ở văn phòng và lạc lõng trong thành phố, Li bỏ việc, nhảy lên xe, chạy liên tục 10 tiếng theo những con đường quanh co. Cuối cùng anh dừng chân ở ngôi làng xa xôi của tỉnh Phúc Kiến.” - VnExpress 19/1/2021

Năm 1937, Simon Kuznets, một nhà kinh tế học tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, trình bày công thức ban đầu của GDP (Tổng sản phẩm quốc dân) trong báo cáo của ông trước Quốc hội, “Thu nhập quốc dân, 1929-35”. Cách tính của ông muốn nắm bắt toàn bộ hoạt động sản xuất kinh tế của các cá nhân, công ty và chính phủ bằng một thước đo duy nhất. GDP ra đời từ đó.

Theo dõi phát triển của một quốc gia hoặc thành phố bằng việc tăng trưởng GDP được sử dụng trên toàn cầu vì nó đơn giản và tương đối hiệu quả. Nhưng cách tính của nó khi bạn tìm hiểu sẽ thấy có một số điểm vô cùng kỳ cục: bữa ăn mẹ nấu không được tính vào GDP nhưng khi bạn ăn tại nhà hàng thì giá trị bữa ăn đó sẽ được cộng vào GDP của đất nước. Nếu cả đất nước ngừng ăn ngoài và chỉ ăn cơm mẹ nấu thì GDP sẽ giảm, đất nước có vẻ “nghèo” đi, dù trong thực tế là mọi người vẫn có được cùng số bữa ăn đó và ăn cơm mẹ nấu chắc hẳn là ngon và hạnh phúc hơn nhiều.

Quản lý kinh tế đô thị ở khắp thế giới cũng vậy, mãi chạy theo con số tăng trưởng GDP mà không tính toán, định lượng được cái “hạnh phúc” dù cho cái đó là cái cuối cùng cả xã hội theo đuổi. Nhà cao tầng thay thế mảng cây xanh, nhà máy gây ồn, khói xe, bụi, ô nhiễm, kẹt xe, cộng đồng xa cách,… tất cả đều nằm trong cái “ngoại cảnh” và không được trừ lại khi tổng kết cái “tăng trưởng kinh tế thành phố” báo cáo mỗi cuối năm. Thành phố được báo cáo “tăng trưởng 2 chữ số” suốt nhiều năm còn các “chi phí ngoại cảnh” này cứ chất chồng mà tàng hình không ai để ý. Chất lượng cuộc sống đô thị vĩ đại như Tp.HCM/Hà Nội có còn thực sự được cải thiện hàng năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng khủng?

Bạn cũng hứng chịu hàng loạt những “chi phí ngoại cảnh” này trong đời sống cá nhân. Khi gia đình qúa bận rộn đến nỗi không thể nấu được bữa ăn gia đình thì ngoài chi phí ăn tiệm dễ thấy và đong đếm thì còn “chi phí ngoại cảnh” là bữa ăn quây quần trong tổ ấm bị mất đi. Khi bạn không có thời gian để trực tiếp giáo dục cho con cái thì cái mất đi không chỉ là tiền học thêm hoặc gia sư mà còn cả “chi phí ngoại cảnh” của việc mất liên kết với con cái.

Một ngày nào đó bạn ngồi lại ngẫm nghĩ kỹ hơn một chút và cộng hết các “chi phí ngoại cảnh” này lại trong đời sống gia đình, sự nghiệp,… biết đâu bạn sẽ thấy mình đang dần mất đi chứ không phải đang xây dựng thêm những điều thực sự quan trọng với bản thânĐong đếm các “chi phí ngoại cảnh” sẽ hướng bạn đến những quyết định đúng đắn hơn.