8 min read

Thư mời bạn bè của tôi

Xin chào các bạn, thư mời này dành cho các bạn có cùng chung băn khoăn với tôi về vấn đề sử dụng mạng xã hội Facebook, TikTok, Instagram... Nếu các bạn chưa thấy có vấn đề gì với những nền tảng này và chưa có trăn trở, thì nội dung dưới đây sẽ nghe lạ lẫm, vô lý. Hẹn bạn một dịp khác. Tôi nghĩ khả năng cao là cần thêm vài năm nữa bạn sẽ trải qua trải nghiệm giống như dưới đây và sẽ trăn trở.

Cách đây từ khoảng 5 năm trước, tôi bắt đầu sợ lên Facebook. Trên đó là:

a) Ảnh du lịch quốc tế của bạn bè, thông báo về thăng tiến sự nghiệp, thành tích kinh doanh.

b) Một số là phàn nàn, tâm sự, hỏi thông tin.

Về b): tôi không ngại nghe phàn nàn, tâm sự từ bạn bè, và càng muốn nghe những thông báo về con cái, cưới hỏi, gia đình,... để có thể chia sẻ và biết bạn bè đang như thế nào.

Về a): tôi cảm thấy áp lực và chủ yếu là các cảm xúc tiêu cực. Thông tin như vậy có thể tích cực về bản chất nhưng đóng góp vào 1 xã hội thành tích "achievement society": mọi thứ là có thể, cơ hội là vô hạn, thế giới này phẳng, tiện ích ở mọi nơi, công cụ học tập toàn AI và cá nhân hoá, sự giàu có trong tầm tay,... Vậy mà bạn đi làm 15 năm nay rồi vẫn còn đang trăn trở về tài chính, mấy năm rồi chưa thăng tiến, doanh nghiệp mấy năm rồi chưa cất cánh, con cái 5 tuổi rồi chưa nói Tiếng Anh thành thạo, con học trường công thay vì học trường quốc tế, v.v... -> chỉ có 1 kết luận duy nhất khả dĩ thôi: do bạn cả, bạn chưa "đủ".

Sau này tôi ít dùng Facebook trở lại sau thời gian 1 vài năm ngừng dùng hẳn. Sau đó, vì một số yêu cầu công việc tôi phải lên để tìm kiếm thông tin trong các groups, xem profile 1 người nào đó,... thì thấy Facebook đã khác. Tôi thấy reels nhiều hơn: các video hài, không mục đích, chủ yếu là tạo cảm xúc ngạc nhiên, cảm xúc "không thể tin nổi", cảm xúc phấn khích, etc. Công thức gây nghiện của Facebook giờ mô phỏng TikTok. Ngay lúc đó tôi dùng khoảng 15s, vài tuần sau lên thành 30s, vài tháng sau thì thấy tôi dùng cũng không ít hơn ai, có khi lên đến 30 phút - 1 tiếng/ngày. Mất kiểm soát về hành vi, mất thời gian cho những giá trị quan trọng hơn như gia đình, bạn bè, làm việc... là một phần của vấn đề. Vấn đề lớn hơn là cảm xúc tiêu cực quay trở lại từ ít thành nhiều: ghen tị, so sánh, tụt mood, căng thẳng. Vấn đề với nền tảng Twitter cũng y chang nhưng tôi bỏ luôn được từ vài năm trước vì cộng đồng Việt Nam chủ yếu trên Facebook, tôi không bị thiếu thông tin.

Tôi lại bỏ Facebook, được vài tháng thì quay lại vì 1 lần nào đó phải lên kiếm thông tin hoặc đăng 1 thông báo nào đó nên cần theo dõi comments để trả lời. Gần nhất tôi tìm được một khách hàng doanh nghiệp rất tiềm năng thông qua 1 Facebook group. Tôi sẽ đánh mất nhiều về thông tin thiết yếu cho công việc khi không lên Facebook.

Sau quá nhiều năm và nhiều đợt on-off Facebook, tôi chỉ có thể giữ nguyên và củng cố kết luận từ nhiều năm trước: mối quan hệ của tôi và nền tảng Facebook là một mối quan hệ mâu thuẫn lợi ích sâu sắc. Facebook cho tôi thông tin. Tôi cho lại một tâm trí bị thao túng. Ban đầu tôi nghĩ bị thao túng ít nhiều là do mình thôi. Mình có đầy đủ sự tự chủ và mindful để chỉ dùng khi cần thiết. Nên cứ dùng cho cái tốt, hạn chế cái xấu. Giờ thì tôi chấp nhận việc tôi sẽ không bao giờ thắng trong mối quan hệ mâu thuẫn này. Thông tin tôi cần nằm lọt giữa thông tin được thiết kế để kích thích dopamine và gây nghiện. Hình thức có thể thay đổi: video messi hay video hài. Nhưng kết quả không thay đổi. Tôi cạn kiệt dopamine cho nền tảng Facebook và mất rất nhiều sức sống. Thay chữ Facebook bằng TikTok hay một nền tảng khác sẽ là câu chuyện của nhiều người khác nữa.

Từ nhiều năm trước tôi cho rằng mạng xã hội như Facebook và TikTok có tổng bằng âm về giá trị cho xã hội: có hại nhiều hơn có lợi. Tôi thay đổi quan điểm chút. Tôi nghĩ ở thời điểm đó vẫn đánh giá quá thấp sự có hại của các nền tảng kiểu này.

Facebook chỉ là 1 phần của vấn đề. Bản thân smartphone không khác là mấy. Mỗi sáng thức dậy tôi đều trông đợi 1 cái gì đó: email chúc mừng đậu accelerator cho công ty, email từ ứng viên, tin nhắn từ khách hàng, đồng nghiệp, tin tức về 1 thuật toán mới ứng dụng được cho sản phẩm NSpace... và có một sự thôi thúc lớn mở smartphone ra để xem. 10 lần 9 lần là thất vọng nhẹ đến nặng (thường là không đủ mindful để nhận thấy cả sự thất vọng đó), 1 lần là hoan hỉ. Chính tỉ lệ thất vọng/hoan hỉ là công thức gây nghiện. Tôi nghiện cả smartphone. Tôi kiềm chế rất nhiều trong nhiều năm nên khả năng là cái nghiện của tôi chỉ ở mức "thấp" so với phần đông. Nhưng cảm giác bị thao túng, không làm chủ được bản thân thật là đau lòng. Phần đông mọi người chưa cảm nhận được hoặc mãi không nhận ra được sự nghiêm trọng của cơn nghiện thế kỷ 21 này thì sẽ đánh đổi bằng trầm cảm, giảm chất lượng mối quan hệ, giảm khả năng sáng tạo và nhiều thứ nữa.

Vì giờ tôi đã chấp nhận sẽ không bao giờ thắng trong mối quan hệ mâu thuẫn với Facebook và các sản phẩm số trong vấn đề giữ lại một tâm trí minh mẫn, hạnh phúc, câu hỏi chỉ là tôi có thực hiện cuộc trao đổi này không? Tôi chọn không. Sắp tới tôi sẽ trả lời tin nhắn chậm hơn, mất khả năng tiếp cận một số khách hàng trên nền tảng số, chậm tiếp cận thông tin hơn. Smartphone không nằm trong túi quần của tôi nữa mà nằm trong balo. Tương lai gần tôi sẽ tìm cách sắp xếp để quay lại điện thoại cục gạch là phương tiện trao đổi chính còn smartphone chỉ mở lên trong một vài khung giờ cho mục đích công việc.

Tất cả những điều này không phải là lý do tôi viết bài này. Mục đích chính của bài này là mời bạn tham gia cùng tôi ở một phương thức liên lạc khác không phải được kiểm soát, thúc đẩy bởi lợi nhuận. Tôi mong muốn nghe các chia sẻ của bạn bè, một số chuyên gia trên thế giới trong ngành công nghệ & AI, trong một mối quan hệ tự chủ và không bị thao túng, không mâu thuẫn quyền lợi.

Cái bạn phải bỏ ra:

  • Download 1 app mới
  • Tạo 1 account mới
  • Mở app ra và thấy nội dung gần như trắng trơn, chán
  • Đăng post cũng không có nhiều xem, like, comment, share.
  • Không có mấy thông tin mới chuyên ngành và hữu dụng

Cái bạn được:

  • Cũng là newsfeed nhưng 100% là posts từ bạn bè thân thiết
  • Sẽ dần gầy dựng được newsfeed cho chuyên ngành
  • Khi bạn mở app sẽ không có reels hay bất kỳ thông tin/video nào khác được thiết kế để giữ bạn ở lại. Không có hot trending gì cả. Bạn chỉ ở lại vì thông tin có ý nghĩa với bạn.
  • Dài hạn, hữu ích và quan trọng

Trong quá trình tìm 1 nền tảng thay thế tôi đã nghiên cứu khá nhiều lựa chọn: chất lượng kỹ thuật của nền tảng, khả năng trích xuất + di chuyển dữ liệu, quyền sở hữu dữ liệu, khả năng xây dựng feed chuyên ngành (phụ thuộc số người dùng hiện tại của nền tảng), khả năng cấu hình nội dung, chất lượng app trên desktop và điện thoại,... Nền tảng khả dĩ nhất là Mastodon. Đây là nền tảng phi tập trung để lập cộng đồng online. Trong đó, nhiều servers kết nối với nhau mà không có công ty chủ quản. Khi tham gia user có thể chọn 1 server có sẵn là nhanh nhất, và dùng như 1 mạng xã hội bình thường. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ thì tôi thấy cần setup 1 server riêng để đạt được tiêu chuẩn về trải nghiệm như mô tả: chỉ dành cho nhóm bạn thân, không bị làm phiền bởi nội dung xấu/không liên quan và vẫn theo dõi được tin chuyên ngành.

Dữ liệu của bạn sẽ nằm trên server Mastodon của NSpace (để tôi có thể bỏ đi các tính năng hot trending và các posts kích thích khác của nền tảng Mastodon). Bạn có thể di chuyển sang server khác trong hệ sinh thái Mastodon nếu cần.

Bạn có thể hình dung Mastodon NSpace như một mạng xã hội thu nhỏ không gây nghiện (= chán) nhưng có thông tin ý nghĩa và hữu ích, phi lợi nhuận, và được thiết kế để phục vụ chúng ta.

Nhắn tôi nhé. Messenger, Zalo hay Whatsapp đều được.