4 min read

Thiết kế môi trường

“Thuê nhà ở trọ, dồn tiền mặt đầu tư đất. Thay vì mua nhà an cư, nhiều năm nay anh Nam dắt cả gia đình đi thuê căn hộ, biệt thự, còn vốn liếng dùng để buôn đất.” - VnExpress 5/3/2021 [Link]

Mèo Mập gặp 1 bác. Bác chia sẻ đã sống một mình mấy chục năm nay vì vợ con bác từ lâu đã định cư ở Mỹ và ít khi về thăm. Tuổi trẻ bác đầy lửa, chuyến đi nối tiếp những chuyến đi phượt dài ngày xuyên Việt. Bác bảo bác thấy lúc trẻ được tự do không vướng bận vậy sướng lắm, nhưng giờ về già có phần cô đơn. Khu chung cư bác ở là nhà ở xã hội bác mua được vì bác thuộc đối tượng người thu nhập thấp. Dù vậy, để mua được bác cũng chi bôi trơn hết mấy chục triệu. Bác kể chỉ khoảng 20% căn hộ xã hội đến được đúng đối tượng, còn lại bị người nắm thông tin mua hết, sau vài năm thì bán lại lời khoảng vài trăm triệu. Sắp tới bác rủ cô chị bác qua mua một lốc nhà ở xã hội mới gần đó, mua dạng thứ cấp nên phải trả thêm vài trăm triệu nhưng bù lại giá vẫn rẻ nhiều so với giá thị trường.

Câu chuyện nhà ở xã hội đã trở thành câu chuyện xã hội từ lâu, ít ai quan tâm nữa dù thiệt thòi cho nhiều gia đình thu nhập thấp. Thực ra đây là điều không thể tránh khỏi khi mà có quá nhiều động lực khai thác lỗ hổng mang tên “nhà ở xã hội”. Quy định dù có chi tiết đến mấy vẫn có cách hiểu hoặc hợp thức hoá những đối tượng ngoài dự tính. Tương tự, có quá nhiều nguồn lực xã hội bỏ ra để lướt sóng đất/nhà/chung cư dù bản thân việc sang tay qua lại không phải hoạt động tạo thêm giá trị thặng dư cho xã hội. Đồng tiền không mất giá nhiều so với nhu yếu phẩm nhưng mất giá kinh khủng so với bất động sản suốt 20 năm qua tại Hà Nội và Tp.HCM, khiến giấc mơ có nhà của đa số các gia đình trẻ ngày càng xa vời. Áp lực vô hình này quá lớn khiến ai cũng cố gắng vào bất động sản sớm nhất có thể. Đa số vào được rồi thì ngồi yên đó mà an toàn, còn một số ít thì tìm cách lướt để tiếp tục tạo thêm thu nhập.

Câu chuyên nhà ở xã hội và câu chuyện lướt sóng bất động sản là câu chuyện về động cơ. Cơ cấu kinh tế làm nảy nở động cơ. Động cơ tạo nên hành động. Tự mỗi người hành động theo động cơ có sẵn trong thị trường chứ không quan tâm mấy đến việc tạo giá trị hay không, và đây cũng là việc hoàn toàn tự nhiên. Cơ cấu kinh tế là “hạt giống”. “Hạt giống” sinh ra “rễ” là Động lực. “Rễ” sinh ra “cây” là Hành động của cả xã hội. Muốn “cây” khoẻ mạnh thì cần thiết kế lại “hạt giống”. 

Mong muốn làm giàu cho bản thân là mục tiêu tốt. Mong muốn làm giàu bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội thì càng tốt. Nếu tất cả mọi người đều dành thời gian và chất xám để tạo ra giá trị cho xã hội thì tốt nhất và cả đất nước sẽ giàu bền vững. Mèo Mập hẹn bài khác chia sẻ nhiều hơn ý kiến cá nhân về việc này. Còn trong bài này Mèo Mập chỉ muốn mượn câu chuyện để nêu bật khái niệm “Thiết kế môi trường”. 

Môi trường bạn sống là “hạt giống”. “Hạt giống” sinh ra “rễ” là Ham muốn hàng ngày của bạn. “Rễ” sinh ra “cây” là Hành động của bạn. Nếu như hàng ngày bạn ham muốn ăn một mớ bánh ngọt, nước uống toàn đường, đồ đông lạnh, chế biến công nghiệp,… thì cần thiết kế lại “hạt giống” là môi trường sống. Chẳng hạn, bạn có thể cất bánh ngọt, nước uống đường,… cho khuất mắt hoặc bỏ hoàn toàn ra khỏi nhà để giảm ham muốn thì tự nhiên bạn sẽ ăn ít lại các thức ăn có hại cho sức khoẻ.

Cái giường trong phòng ngủ của bạn là “hạt giống”. “Hạt giống” này sinh ra Cảm giác buồn ngủ. Cảm giác buồn ngủ khiến bạn mới làm việc được 5 phút đã lăn ra ngủ. Muốn làm việc được lâu hơn thì nên thay đổi “hạt giống” ví dụ như bạn đi ra phòng khách hoặc ra ngoài mà làm việc sẽ hiệu quả hơn.

Còn trong cuộc sống hàng ngày, môi trường sống của bạn có đang phục vụ cho mục tiêu bạn hướng tới?