3 min read

Lớn lên hay là chết

“Ngành nhựa vẫn 'lép vế' so với sản phẩm ngoại nhập. 85-90% các sản phẩm nhựa thương hiệu Việt Nam hiện có trong hệ thống siêu thị của cả nước. Tuy nhiên, công nghệ thấp dẫn đến sản phẩm không đồng nhất về chất lượng, tiềm lực tài chính hạn chế khiến các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh kém.” - Tuổi Trẻ Online 21/01/2021 [Link]

Ô tô lần đầu tiên được phát minh và hoàn thiện ở Đức và Pháp vào cuối những năm 1800. Sau đó thì người Mỹ đã nhanh chóng thống trị ngành công nghiệp ô tô vào nửa đầu thế kỷ XX. Henry Ford đã phát minh các kỹ thuật sản xuất hàng loạt mà sau này thành kinh điển trong sản xuất ô tô, giảm chi phí tăng chất lượng. Từ đó mà Ford, General Motors và Chrysler đã nổi lên như những công ty ô tô “Bộ 3” vào những năm 1920. Các nhà sản xuất đã sử dụng nguồn lực của họ cho quân đội trong Thế chiến thứ hai, và sau đó, sản xuất ô tô ở châu Âu và Nhật Bản đã tăng vọt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Câu chuyện về ngành ô tô là vậy, còn câu chuyện phía sau ít ai biết là ngành ô tô khi mới bắt đầu có cả mấy trăm hãng, mỗi hãng là nhóm nhỏ thợ máy tự mua tự lắp ráp ra từng chiếc ô tô để bán, chất lượng không đồng đều và chi phí cao vì thiếu tự động hoá, chuyên môn hoá. Ba mươi nhà sản xuất Mỹ sản xuất khoảng 2.500 xe ô tô vào năm 1899, và khoảng 485 công ty tham gia kinh doanh trong thập kỷ tiếp theo. Theo thời gian, chỉ những công ty ô tô lớn mới có thể đầu tư máy móc hiện đại công suất lớn. VinFast nhà ta vì vậy nếu không thể bước ra châu lục và thế giới cũng không đủ quy mô để tồn tại.

Có những ngành vẫn tồn tại hằng hà sa số các công ty nhỏ lẻ mà không có công ty nào lớn lên để thâu tóm. Ví dụ như ngành xây dựng nhà dân dụng, sửa chữa cải tạo nhà ở, sửa chữa bán lẻ xe máy, nhà hàng, quán ăn,… Sự khác biệt của ngành ô tô nằm ở đâu? Trong một môi trường mà công ty càng lớn càng tạo được nhiều giá trị (chất lượng đồng đều, tinh xảo) với chi phí thấp (máy móc công suất lớn), thì tự nhiên các công ty tồn tại sẽ càng lúc càng lớn. Ngành ô tô là vậy, ngành nhựa cũng vậy, và câu chuyện ngành nhựa Việt Nam “lép vế” so với sản phẩm ngoại nhập nằm ở quy mô. Ngành nhựa Trung Quốc đạt chuẩn quy mô trước Việt Nam ta hơn 10 năm nên tạo được lợi thế lớn dễ dàng duy trì.

Nhìn lại doanh nghiệp của bản thân hay doanh nghiệp bạn đang làm việc, hướng đi phù hợp trong cấu trúc ngành là gì? Phải đạt quy mô lớn hoặc chết? Hay nhỏ nhỏ mà dễ tồn tại?