6 min read

Làm việc cần làm, không phải việc dễ làm

“Người 'đào' Pi hồi hộp chờ tiền ảo có giá. Nhiều người "đào" Pi tại Việt Nam kỳ vọng tiền ảo sẽ được đưa vào sử dụng sau ngày 28/6 và có giá từ vài USD đến cả nghìn USD” - VnExpress 29/6/2022 [link]

Có anh chàng say xỉn nọ chẳng may đánh rớt chìa khoá nhà. Trời đã tối mịt mà đoạn đường anh làm rớt chìa cũng chỉ có mỗi một ngọn đèn đường, chiếu thành một đốm sáng nhỏ trên mặt đất. Một người đi đường ngang qua thấy anh loay hoay mãi tìm nên tò mò hỏi: “Anh làm rớt chìa khoá ngay đây à?” . Anh chàng bèn chỉ tay vào khoảng sân tối mịt ngoài xa xa, trả lời: “À không, tôi làm rớt lúc đang ở ngoài kia. Mà chỉ có chỗ này sáng sủa để tìm nên tôi tìm mãi, mà không hiểu sao tìm vẫn chưa ra” ?

Loay hoay mãi với các đồng tiền ảo để làm giàu cũng giống như mãi tìm chìa khoá ở chỗ sáng sủa, dễ thấy, dễ hiểu, mà bỏ qua bước đánh giá một cách khách quan xem chỗ sáng sủa đó có thực là chỗ để làm giàu không. Sòng bạc cũng dễ thấy, dễ hiểu nhưng dân gian có câu “bài bạc là bác thằng bần” chứ không cho đó là chỗ để làm giàu bền vững. Khẩu quyết chính là:

Làm việc cần làm, không phải việc dễ làm

Hoặc theo một cách nói khác:

Nếu bạn đang băn khoăn cho một quyết định khó khăn, hãy chọn con đường đau đớn hơn trong ngắn hạn - Niên giám của Naval Ravikant

Dù nghe có vẻ dễ, nhưng để làm được việc cần làm đôi khi còn cần kỹ năng mà bạn không có sẵn. Nếu tiếp tục dùng những công cụ đã có thì giống như bạn tiếp tục tìm chìa khoá ở chỗ sáng đèn dù bạn biết nó không nằm ở đó. Còn bắt đầu từ đầu với 1 công cụ mới giống như lao vào bóng đêm để tìm kiếm: khó nhưng cần thiết. Một tập đoàn tầm cỡ như Intel cũng phải rất khó khăn mới vượt qua được trở ngại tâm lý để phát triển một năng lực mới và thực hiện được việc cần làm, xoay chuyển cục diện.

Intel trước 1981

Công ty Intel của những năm trước 1981 không phải là công ty sản xuất vi xử lý máy tính như mọi người vẫn biết. Trước 1981, Intel là trùm sản xuất bộ nhớ tạm máy tính, chiếm 60% sản lượng của thế giới trong một thị trường đang tăng trưởng như vũ bão. Chỉ có một vấn đề duy nhất. Các đối thủ đến từ Nhật Bản đang ào ạt lao vào và không ngừng cải tiến sản phẩm. Đến năm 1988, các công ty đến từ Nhật Bản đã xoay chiều chiếm lĩnh hơn 50% thị trường bộ nhớ tạm máy tính và cạnh tranh về giá bán, đẩy biên lợi nhuận của toàn thị trường xuống mức thấp không tưởng.

Intel và những trăn trở

Nội bộ ban lãnh đạo Intel lúc bấy giờ, đứng đầu là CEO huyền thoại Andy Grove, đã tranh luận nảy lửa về cách để ứng phó. Có người cho rằng Intel nên xây nhà máy lớn hơn nữa để tiếp tục giảm chi phí sản xuất hơn nữa. Có người cho rằng Intel nên thêm các loại thiết kế chuyên dụng hơn nữa cho các khách hàng tìm kiếm giải pháp chuyên dụng. Trong khi các cuộc tranh luận tiếp tục diễn ra thì Intel tiếp tục thua lỗ. Hàng loạt các cá nhân trong đội ngũ Intel không ngừng lôi kéo Intel theo những cách khác nhau: người kỹ sư muốn bảo vệ thiết kế phần cứng của họ, người bán hàng muốn bảo vệ danh mục sản phẩm để phục vụ khách hàng hiện có thay vì phải đi tìm khách hàng mới, trưởng nhà máy muốn nhà máy tiếp tục vận hành để có việc cho bản thân, lãnh đạo của các phân khúc sản phẩm hiện có muốn tiếp tục phát triển sản phẩm hiện có vì đó là cái duy nhất kỹ năng họ có thể đáp ứng,…

Intel trở thành thủ lĩnh ngành vi xử lý

CEO Andy Grove và Bob Noyce, Chủ tịch hội đồng quản trị Intel, đã có cuộc họp lịch sử. Trong một thời khắc, Andy hỏi Bob:

Nếu cả 2 chúng ta bị sa thải và một người hoàn toàn mới vào để lãnh đạo công ty, thì người đó sẽ làm gì?

Bob có câu trả lời ngay tức khắc:

Họ sẽ bỏ mảng kinh doanh bộ nhớ tạm để phát triển mảng sản xuất vi xử lý”.

Andy nói tiếp:

Vậy tại sao chúng ta không ngồi đây và thực hiện đúng việc cần làm này?

Vậy là Intel chóng vánh bỏ hẳn mảng kinh doanh bộ nhớ tạm để chuyển sang sản xuất và kinh doanh vi xử lý, mang đến những sản phẩm định hình thế giới suốt mấy chục năm tiếp theo.

Dù Andy Grove và Bob Noyce không nói ra, thì cả hai đều cảm nhận được cảm xúc khó khăn và vô định của việc phải từ bỏ nơi sáng sủa, nơi họ đầy kinh nghiệm và hiểu rõ: mảng kinh doanh truyền thống, để khai phá một sản phẩm và ngành công nghiệp hoàn toàn mới, chập chững trong bóng đêm. Nhưng họ biết đó là nơi họ nên tìm kiếm chìa khoá của thành công dù nơi đó tối tăm và vô định hơn nơi họ đang đứng.

Việc có sẵn

Nếu bạn sắp ra trường, đang tìm việc, và có người quen giới thiệu hẳn 1 công việc toàn thời gian không cần phỏng vấn, bạn sẽ nghĩ sao? Con đường có sẵn đó là con đường dễ hiểu, chắc chắn, ít sự vô định. Bạn chỉ ký tên hợp đồng là có việc. Nhưng có chắc con đường có sẵn là con đường đúng? Nếu bạn biết bạn muốn trở thành một người bán hàng xịn xò trong tương lai, nhưng công việc có sẵn là vị trí hành chính, thì bạn sẽ lựa chọn như thế nào? Bỏ qua chỗ có sẵn, chắc chắn, để lao mình vào tìm kiếm, thu thập thông tin các công ty, các vị trí tuyển dụng, các hồ sơ tuyển dụng, hàng loạt các cuộc phỏng vấn,… hay ngược lại?

Chắc tự hỏi đến đây bạn đã có câu trả lời rồi. Chỉ là bạn có đủ dũng cảm để làm việc cần làm hay chọn sự dễ dàng mà thôi.

Đầu việc mới lạ

Còn nếu bạn đang đi làm và có cơ hội thử một đầu việc mới lạ thì có nên nắm bắt không? Việc bạn đang làm và đã quen thuộc sẽ dễ hiểu, chắc chắn, còn đầu việc mới hoàn toàn bắt đầu từ 0 là bóng đêm đầy biến số. Nhưng chính khoảng tối vô định đó mới có chiếc chìa khoá của sự phát triển và thăng tiến.