5 min read

Đặc quyền

Bàng hoàng nghe lời khinh miệt: ‘Ơ, con trứng kia điếc sao mà gọi không nghe’. Hơn 60 tuổi, có hơn 20 năm bán hàng rong mưu sinh ở Hà Nội, thỉnh thoảng bà Trần Thị An vẫn bàng hoàng khi nghe người Hà Nội buông lời khinh miệt: ‘Ơ, con trứng kia điếc sao mà gọi không nghe’. Câu chuyện của bà An tại buổi tọa đàm Hà Nội trong mắt người lao động di cư, do Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 27-4 ở Hà Nội khiến nhiều người tức giận thay cho bà, nhưng rõ ràng điều ấy chẳng lạ với những người dự tọa đàm, những người từng sống ở Hà Nội. - Tuổi Trẻ Online 27/04/2021

Trái ngược với cách ứng xử của một số nhà giàu xổi, ca sĩ Hà Anh Tuấn trong bài phỏng vấn cách đây vài tuần đã gây bão mạng xã hội khi nói về đề tài văn hoá giàu nghèo, hay gọi là phân hoá giàu nghèo cũng được ?:

"Khoe nhau nhiều tiền hơn để làm gì? Bây giờ phải khoe tôi cứu được bao nhiêu người. Tôi cứu lũ trẻ cứu bệnh được bao nhiêu đứa. Hoặc ít nhất tôi cho chúng nó sống những tháng ngày còn lại vui vẻ được bao nhiêu. Dân chơi là phải chơi kiểu đó. Giờ dân chơi vẫn còn khoe cái xe, cái túi, đồ đạc với cái này cái kia thì... lỗi thời rồi. Giờ hãy năng kiếm tiền đi, làm việc hết mình kiếm tiền đi cứu người."

Nói về giàu, ông Vượng trở thành tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam vào ngày 7 tháng 3 năm 2011 khi giá trị tài sản của ông tại thời điểm đó trên sàn chứng khoán Việt Nam đạt 21,200 tỉ đồng, tương đương $1 tỉ USD vào lúc bấy giờ. Từ đó đến nay thì Việt Nam ta xuất hiện một vài các doanh nhân tỉ phú nữa từ đủ các lĩnh vực kinh doanh: ngân hàng, hàng tiêu dùng, hàng không, lắp ráp ô tô... Trong khi đó khoảng tầm 100 năm trước, tỉ phú đô la được công nhận đầu tiên trên thế giới là ông trùm dầu mỏ John D. Rockefeller. Ông đạt được cột mốc này vào năm 1916 và hiện vẫn đang giữ danh hiệu giàu thứ 2 trong lịch sử.

Điểm chung của các tỉ phú do kinh doanh tự thân làm nên là họ khai phá được một núi giá trị cho hàng triệu triệu người. Dầu hoả là nhiên liệu và vật liệu cơ bản cho cả thế giới trong cả trăm năm qua từ vận hành nhà máy, máy bay, xe hơi, hay cả sản xuất nhựa, polymer... Còn các dự án bất động sản của ông Vượng thì mang lại các khu đô thị cao cấp đầu tiên của Việt Nam, hiện đang cung cấp nhà ở cho cả triệu người trung lưu và giàu có. Giá trị của dầu hoả hay các dự án này không cần phải bàn, còn vì sao là ông Vượng và Rockefeller chứ không phải ai khác đạt được chiến thắng cuối cùng thì mỗi người tìm hiểu sẽ đưa ra kết luận khác nhau. Có chăng cần một chút quyết liệt của thương trường, thêm chút khôn ngoan chính trị, hay một chuỗi sự kiện may mắn... Mèo Mập không rõ.

Trong vòng 20 năm qua, số lượng tỉ phú tăng vùn vụt và tài sản bắt đầu vượt cả ngưỡng trăm tỉ USD. Con đường mỗi doanh nhân sáng lập Google, Facebook, Tesla, Netflix, Amazon, Snapchat, TikTok, Alibaba,... gần như đều thuần công nghệ hay vận dụng sáng tạo công nghệ làm cạnh tranh cốt lõi. Điểm đáng nói nhất ở chỗ đây chưa phải đỉnh cao của khối lượng tài sản khổng lồ nằm trong tay một vài cá nhân, mà mới chỉ là sự bắt đầu của sự phân hoá. Đa số mọi người mới chỉ cảm nhận làn sóng Internet 2.0 và điện thoại thông minh, còn cơn sóng AI và AR sắp vào bờ chứ chưa tới. Dù một vài người sẽ tận hưởng đặc quyền đón sóng để trở thành các tỉ phú tiếp theo thì việc này cũng chỉ càng tô rõ thêm sự phân hoá giàu nghèo càng lúc càng nghiêm trọng trong cộng đồng. Sự có mặt của các tỉ phú tất yếu từ làn sóng AI và AR này với Mèo Mập chỉ đáng tiếc và không đáng vui mừng cho cộng đồng, dù họ làm giàu hoàn toàn từ bàn tay khối óc của bản thân và phát minh chính đáng.

Cách cả thế giới tự động hoá đang mặc nhiên biến một vài cá nhân then chốt công nghệ thành tỉ phú, và một loạt các vệ tinh xung quanh như gia đình, bạn bè, các quan chức, các nhân viên đầu tiên, các đối tác đầu tiên... thành triệu phú. Cá nhân tỉ phú không hoàn toàn tự họ mà phát minh nên không nên tự mãn. Họ sinh ra đúng thời điểm, có tố chất có tính kinh tế cao, được sự hỗ trợ của bao nhiêu công trình khoa học đi trước, được nuôi sống bởi vận hành của cả xã hội. Còn các vệ tinh chỉ ăn theo thì càng không nên tự mãn vì vai trò thực sự của họ càng ít quan trọng. Nếu là người khác năng lực trung bình ở vị trí của họ thì cũng sẽ đạt được kết quả y chang.

Hiểu và hàng ngày biết cảm ơn đặc quyền của bản thân. Chắc mỗi người làm được điều này sẽ không có những lời khinh miệt người nghèo nghe mà thật nao lòng. Có thêm nhiều những người tài năng và có cái nhìn hiểu chuyện như ca sĩ Hà Anh Tuấn thì còn gì bằng bạn nhỉ ?. Còn về chiều hướng chuyển biến xa hơn, Mèo Mập hi vọng sẽ đủ thời gian chia sẻ một series bài viết riêng về những công việc trí tuệ trong hiện tại nhưng đang dần biến mất trong tương lai gần vì sự thay thế của tự động hoá, đến từ công nghệ tạm gọi là "trí tuệ nhân tạo".